Phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền
Chính phủ đã ban hành 28 nghị định nhằm phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo, phục vụ.
Chủ tịch UBND cấp xã được cấp “sổ đỏ”
Theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã được giao thêm nhiều thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai, bao gồm: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), xác định lại diện tích đất ở, ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất… Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân.
Thêm quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc
Nghị định 158/2025/NĐ-CP quy định rõ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức đóng, phương thức và thời hạn đóng. Đáng chú ý, người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng sẽ không phải đóng bảo hiểm tháng đó.
Chuẩn hóa việc sử dụng trụ sở, xe công
Nghị định 155/2025/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Trong khi đó, Nghị định 153/2025/NĐ-CP quy định cấp xã được sử dụng tối đa 2 xe ô tô phục vụ công tác chung.
Phân cấp trong công tác thi đua, khen thưởng
Nghị định 152/2025/NĐ-CP quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng theo hướng phân cấp tối đa, bảo đảm thống nhất quản lý và tăng tính chủ động cho địa phương.
Các chính sách mới này không chỉ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc vận hành hệ thống chính quyền 2 cấp, mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn mới.
BBT